• VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TÂN AN
  • Cầm cố tài sản không phải tài sản của mình sẽ bị xử lý như thế nào?

    Câu hỏi: Tôi có cho em họ mượn 01 chiếc xe máy, do cần tiền gấp để tiêu cho việc riêng em họ tôi đã cầm cố chiếc xe này cho một cửa tiệm cầm đồ với giá 20 triệu đồng. Sau khi biết được, tôi đã liên hệ yêu cầu cửa tiệm cầm đồ trả lại chiếc xe cho mình nhưng chủ tiệm cầm đồ yêu cầu em họ tôi phải trả tiền hoặc tôi phải trả tiền thì mới được lấy xe về. Hiện tại tôi không có tài chính để chuộc xe về và tôi cũng không phải là người đi cầm cố xe, giấy tờ vẫn đứng tên tôi. Vậy tôi có quyền đòi lại xe của mình không? Em họ tôi có phải chịu trách nhiệm gì không? Tiệm cầm đồ có phải chịu trách nhiệm gì không?

    Trả lời:

    1. Quyền đòi lại tài sản đã được cầm cố:

    Theo Điều 309 Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định:

    “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.”

    Việc em họ bạn đi cầm cố xe không thuộc sở hữu của mình là vi phạm quy định của pháp luật. Xe máy là tài sản có đăng ký. Do đó, người cầm cố tài sản cho em bạn phải yêu cầu cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc sở hữu xe, nếu không có giấy tờ hoặc giấy tờ xe không đúng với chủ sở hữu người cầm cố phải từ chối cầm cố. Việc người cầm cố tiến hành cầm cố tài sản không phải do chủ sở hữu đi cầm cố cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

    Do đó, bạn có quyền yêu cầu bên cầm cố trả lại xe cho bạn mà không phải trả tiền cho họ, nếu họ không đồng ý trả xe bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp hoạt động kinh doanh của họ để giải quyết theo quy định của pháp luật.

    2. Trách nhiệm đối với người cầm cố không thuộc tài sản của mình:

    * Trách nhiệm dân sự: Em họ bạn đã nhận tiền của cửa tiệm cầm đồ do đó em họ của bạn có trách nhiêm trả tiền cho họ ngoài ra còn phải trả thêm các khoản chi phí, tiền lãi liên quan đến việc cầm đồ.

    * Trách nhiệm hình sự: Trường hợp em họ bạn có hành vi lừa dối bạn để mượn xe thuộc quyền sở hữu của ban để đi cầm đồ thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" (Theo quy định Bộ Luật Hình Sự 2015 sửa đổi 2017). 

    3. Trách nhiệm đối với cửa tiệm cầm đồ:

    Cửa hàng nhận cầm cố tài sản không thuộc sở hữu của người đến cầm cố đã vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Cụ thể, theo điểm e khoản 2 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, hành vi “cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố” bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

    Thậm chí, theo điểm b khoản 4 của Điều này, hành vi “cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có” bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng.

    Trên đây là ý kiến tư vấn của Văn Phòng Luật Sư Tân An về vấn đề nêu trên, hi vọng ý kiến tư vấn trên sẽ hỗ trợ được thắc mắc của bạn. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào vui lòng liên hệ Văn Phòng Luật Sư Tân An Đắk Lắk để được tư vấn cụ thể.

    -------------------------------------------------
    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TÂN AN
    ☎️Điện thoại: 0945 011 611 & 0913 570 431
    📧Email: vpluatsutanan@gmail.com
    💻Website: https://luatsutanan.vn/
    🏪Địa chỉ văn phòng: Tầng 5, Tòa nhà AnLand Group, 45 Lý Tự Trọng, P. Tân An, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

      Bộ câu hỏiBài viết liên quan