• VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TÂN AN
  • Nhất chớm, nhì ưu, tam đường, tứ hướng được hiểu như thế nào?

    Các lái xe từ khi đi học lái đã nghe câu cửa miệng trên từ giáo viên, từ bạn học, tuy nhiên không phải ai cũng biết từ đâu mà có khẩu ngữ đó. Hôm nay Văn phòng Luật sư Tân An giải thích căn nguyên của các quy tắc nhường đường khi tham gia giao thông đường bộ dưới góc độ quy định của Pháp luật và phổ biến một số kinh nghiệm để các bạn lái xe an toàn đúng luật.
    Hình: Ngã sáu Buôn Ma Thuột (st)
    Thứ nhất: ‘Nhất chớm’, tên gọi của quy tắc này là ‘Quyền bình đẳng qua nơi đường giao nhau’.
    Cơ sở pháp lý, căn cứ theo Điểm c, Khoản 3, Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 (“Luật GTĐB 2008”)quy định:
    c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
    Các bạn chú ý, một số người khi đến đường giao nhau có tín hiệu đèn vẫn cố vượt qua khi đèn vàng đã bật sáng. Hành vi này là ‘vi phạm tín hiệu đèn’, có thể bị xử phạt ở mức cao, người lái xe còn bị tước GPLX có thời hạn.
    Kinh nghiệm: nếu quan sát từ xa thấy thời gian đèn xanh còn dưới 3 giây thì nên chậm lại, đợi nhịp đèn tiếp theo thì tránh nguy cơ va chạm với các hướng xung đột nếu có người vội vàng  hoặc vượt đèn vàng. Người lái xe chỉ đi qua vạch dừng khi đền xanh bật sáng để đảm bảo an toàn.
    Thứ Hai: ‘Nhì ưu’, đây là nguyên tắc Nhường đường cho xe có quyền ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ.
    Cơ sở pháp lý: Quy định tại Khoản 1, Điều 22 Luật GTĐB 2008:
    1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
    a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
    b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
    c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
    d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
    đ) Đoàn xe tang.
    Người đi đường chú ý, khi phát hiện tín hiệu của xe có quyền ưu tiên – thông thường là còi hụ, đèn chớp nháy liên tục thì phải thực hiện theo quy định của Khoản 3 điều này, cụ thể như sau:
    ‘3. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên’.
    Thứ Ba: ‘Tam đường’, Nhường đường tại nơi đường giao nhau.
    Cơ sở pháp lý, quy định tại Khoản 3, Điều 24 - Luật GTĐB 2008:
    3. Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.
    Người tham gia giao thông đặc biệt chú ý khi đi từ đường nhánh, ngõ nhỏ, cửa cơ quan… khi hòa nhập vào đường lớn phải chú ý quan sát, nhường đường cho các phương tiện đi trên đường chính để đảm bảo an toàn.
    Kinh nghiệm: trước khi đi vào đường lớn cần chú ý quan sát cả hai bên, khi đông xe, nguy hiểm thì nên dừng hẳn xe để quan sát đảm bảo an toàn.
    Thứ Tư: ‘Tứ hướng’. Cơ sở pháp lý được quy định tại Khoản 1-2, Điều 24-Luật GTĐB:
    Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:
    1. Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;
    2. Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái’
    Giải thích tại sao nơi đường giao nhau không có vòng xuyến thì nhường đường bên phải; có vòng xuyến thì nhường đường bên trái vì lúc này tầm quan sát của người lái xe rõ, rộng hơn ‘đối phương’ nên chủ động xử lý tình huống do không bị vướng điểm mù của ‘cột A’ – là góc giữa kính chắn gió trước và cửa trước trên xe. Các bạn lái xe sẽ thấy rõ điều này khi ngồi trên ghế lái. Như vậy khi đến đường giao nhau, tùy từng nơi theo hạ tầng tổ chức giao thông, người lái xe phải nhường đường cho xe bên phải hoặc bên trái đi trước để đảm bảo an toàn.
    Các bạn thân mến! Lái xe không khó nhưng muốn lái xe an toàn thì người lái xe phải hiểu biết luật Giao thông Đường bộ, thường xuyên quan sát, rút kinh nghiệm qua từng tình huống trên đường thì các bạn sẽ tự tin, làm chủ tay lái. Người lái xe cần nhất đó là, ‘đi đến nơi về đến chốn’.
    Chúc các bạn lái xe an toàn!
    --------------------------------------------------
    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TÂN AN
    ☎️Điện thoại: 0945 011 611 hoặc 0913 570 431
    📧Email: vpluatsutanan@gmail.com
    💻Website: https://luatsutanan.vn/
    🏪Địa chỉ văn phòng: Tầng 5, Tòa nhà số 45 Lý Tự Trọng, P. Tân An, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

      Bộ câu hỏiBài viết liên quan